Tại sao thành phố xốp ở Trung Quốc không thể ngăn ngập lụt?

Tại sao thành phố xốp ở Trung Quốc không thể ngăn ngập lụt?

line

    Thành phố xốp được thiết kế với kỳ vọng ngăn ngập lụt nhưng do chỉ chịu được nhiều nhất 200 mm nước mưa/ngày nên không thể đối phó với lượng mưa bão kỷ lục.

     
    Những ngôi nhà ngập trong biển nước ở Bà Dương, Giang Tây. Ảnh: Yahoo
    Trung Quốc trải qua những trận lụt nghiêm trọng trong vài tuần gần đây, khiến các thành phố ngập nước, nhiều người tử vong và cơ sở hạ tầng bị hư hại. Tình trạng này dấy lên thắc mắc về tín hiệu quả của sáng kiến "thành phố xốp" năm 2015 nhằm giảm nguy cơ ngập lụt đô thị, theo Reuters.

    Sáng kiến trên hướng tới tăng khả năng chống ngập ở các thành phố lớn và tận dụng nước mưa tốt hơn thông qua những điều chỉnh về kiến trúc, kỹ thuật và cơ sở hạ tầng. Nhưng nhiều thành phố vẫn dễ dàng bị ảnh hưởng bởi mưa lớn. Chỉ riêng trong tháng 7, lũ lụt và những thảm họa địa chất liên quan khiến 142 người chết và mất tích, phá hủy 2.300 ngôi nhà và trực tiếp gây thiệt hại kinh tế tới 2,19 tỷ USD, Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc cho biết hôm 7/8.

     
    Từ lâu Trung Quốc đã tìm kiếm giải pháp cải thiện cách ứng phó thời tiết cực đoan, giúp những thành phố đông dân ít chịu tác động từ lũ lụt và hạn hán hơn. Sáng kiến "thành phố xốp" được thiết kế để tận dụng tốt hơn các giải pháp dựa trên tự nhiên, qua đó phân bố nước hợp lý, đồng thời cải thiện lưu trữ và cấp thoát nước.

    Giải pháp trong sáng kiến "thành phố xốp" bao gồm sử dụng nhựa đường thấm nước, xây dựng kênh đào và ao hồ mới, cải tạo đầm lầy, không chỉ giải phóng nước tù đọng mà còn thay đổi môi trường đô thị. Quá trình đô thị hóa quá nhanh bao vây nhiều vùng đất rộng lớn trong lớp bê tông không thấm nước, nằm dọc bờ những con sông lớn vốn đóng vai trò như bãi bồi. Do đầm lầy bị lấp và không có chỗ cho nước dư thừa lắng xuống, tình trạng ngập lụt trở nên phổ biến.

    Theo dữ liệu năm 2018, 641 trong số 654 thành phố lớn và vừa ở Trung Quốc dễ chịu tác động từ lũ lụt và ngập úng, 180 thành phố đối mặt nguy cơ ngập lụt mỗi năm. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhiều sáng kiến thí điểm ở địa phương gần đây có ảnh hưởng tích cực. Những dự án như phủ cây xanh trên mái nhà và vườn mưa giúp giảm dòng chảy bề mặt.

    Tuy nhiên, việc áp dụng sáng kiến chưa đồng đều. Tổng cộng 30 thành phố xốp thí điểm được lựa chọn năm 2015 và 2016. Năm ngoái, chỉ có 64 trong 654 thành phố của Trung Quốc đưa ra điều luật áp dụng những nguyên tắc của thành phố xốp. Theo các nhà nghiên cứu, cho tới nay chính quyền ít chú tâm xây dựng thành phố xốp. Họ kêu gọi nhà chức trách ban hành luật trên toàn quốc càng sớm càng tốt.

    Ngay cả khi các biện pháp xây thành phố xốp được áp dụng đầy đủ, chúng cũng không thể ngăn chặn thiên tai năm nay. Thành phố Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam là một trong những nơi tiên phong tích cực xây dựng thành phố xốp, phân bổ gần 8,3 tỷ USD cho chương trình từ năm 2016 đến 2021. Nhưng Trịnh Châu vẫn không thể đối phó với lượng mưa lớn nhất trong lịch sử năm 2021.

    Các chuyên gia cho rằng cơ sở hạ tầng thành phố xốp chỉ có thể giải quyết nhiều nhất là 200 mm nước mưa mỗi ngày. Ở đỉnh đợt mưa bão trút xuống Bắc Kinh cuối tháng 7, lượng mưa ở một trạm khí tượng lên tới 745 mm trong 3,5 ngày. Hồi tháng 7/2021, Trịnh Châu trải qua lượng mưa hơn 200 mm chỉ trong một giờ. Nhà chức trách cũng đang cân nhắc yếu tố biến đổi khí hậu. Mưa lớn năm nay xảy ra với các thành phố vốn khô hạn ở miền bắc, nơi phát triển thành phố xốp kém tiên tiến hơn.

    An Khang (Theo Reuters)

    Zalo
    Hotline
    CÔNG TY CP ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐẠI NAM VIỆT LUÔN LUÔN LÀM HÀI LÒNG KHÁCH HÀNG - HOTLINE: 0903.772.876